Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Biển Và Hoa - Thơ ĐỖ BÌNH

 

Mùa ly loạn em ra đi năm ấy
Thuyền lênh đênh hoàng hôn ráng chân mây.
Trời gió nhẹ biển loáng màu nắng ngả
Nghiêng xuống em lấp lánh dãy ngân hà.
Đêm trở gió chiếc thuyền con thăm thẳm,
Biển hãi hùng trời đất rất xa xăm!
Từng lớp sóng ngọn cuồng như thác đổ,
Bao kiếp người thành bọt sóng hư vô!
Trên sóng nước em bồng bềnh trôi mãi
Trôi theo trăng về lối ngõ thiên thai.
Biển và em là bài thơ dang dở
Dòng sông quê đành gởi lại bến bờ!
Em theo sóng về thiên thu cõi mộng
Biển vẫn xanh hồn thành đám mây hồng.
Như pho tượng đượm nét buồn thế kỷ
Ðời chìm sâu những giai điệu tình si
Tít mù khơi loài chim nhỏ thiên di,
Vút tiếng hát từ xa xăm mộng mị
Về biển xanh mang theo chút phù sa
Sóng dìu em vào tận cõi thiên hà
Em chắc lạnh nơi hành tinh băng giá?
Chiếc tàn y sao đủ ấm làn da!
Sóng nhấp nhô biển hoàng hôn trắng xóa,
Mắt em buồn màu cỏ úa xót xa!
Ôi giai nhân trong đáy nước nhạt nhòa,
Em trôi mất mảnh thuyền xưa mục rã!

Đỗ Bình (France) 

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2023

NHỚ CÁI THUỞ - Thơ Trần Yên Hoà

 

Nhớ cái thuở để chổm chạy rong chơi
Suốt ấu thơ trong khu vườn nắng cháy
Chân lấm đất như người cày mỏi mệt 
Chiều cho bò về chuồng cất tiếng gọi bò ơi
 
Nhớ cái thuở mười lăm để tiếng cười rơi
Trên dòng tóc em trong khu vườn tuổi nhỏ
Em con chim khuyên tha từng cọng cỏ
Ngọc của trời về đậu ở môi em
 
Tuổi thơ ta một thuở quá êm đềm
Mà ta cất vó đi tìm trời cao đất rộng
Mưa thì mưa tuôn ngày đông gió lạnh 
Đất miền trung tha thiết gọi anh về
Anh rưng sầu nghe gió giật lê thê
 
Tuổi mười lăm ta đâu biết mô tê
Chỉ thấy lòng mình râm rang niềm thương nhớ
Như môi em hồng có nụ cười rạng rỡ
Vỡ quả tim non nhỏ bé của anh rồi
 
Nhớ cái thuở mười lăm còn mãi rong chơi
Thành phố ấy có bầy sáo rừng về đậu
Buổi chiều xưa trong cơn mơ đồng nội
Nát nhàu đi kỷ niệm một phương trời
 
Anh đôi lần đi qua cổng trường vôi
Thấy nhập nhòa bóng hình em lay động
Tuổi mười lăm đi qua sao thật chậm
Đến bầy giờ chân bước thấp bước cao 
Để bây giờ em ở nơi nao
Năm mươi năm qua tuyệt tích phương nào…
 
Nhớ cái thuở mười lăm mưa bay cuối phố
Chiều Tam Kỳ gió giật phải không em?
 
Trần Yên Hòa

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

Tám Phố Sai Gòn - Thơ NGUYÊN SA



Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
Cánh tay tà áo sát vòng eo
Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo

Sài Gòn phóng solex rất nhanh
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants
Có nghe hơi thở cài vương miện
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung

Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm
Tờ hoa trong sách cũng nằm im
Đầu thư và cuối cùng trang giấy
Những chữ y dài trông rất ngoan

Sài Gòn tối đi học một mình
Cột đèn theo gót bóng lung linh
Mặt trăng theo ánh đèn: trăng sáng
Đôi mắt trông vời theo ánh trăng

Sài Gòn cười đôi môi rất tròn
Vòng cung mầu đỏ, nét thu cong
Cầu vồng bắc giữa mưa và nắng
Hay đã đưa dần sang nhớ mong

Sài Gòn gối đầu trên cánh tay
Những năm mười sáu mắt nhìn mây
Chiếc tay tròn ánh trăng mười bốn
Tiếng nhạc đang về dang cánh bay

Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard
Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ

Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng
Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân
Lưng trời không có bày chim én
Thành phố đi về cũng đã xuân

Nguyên Sa



Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

TRẺ MỒ CÔI - Thơ HUY VĂN

 


Khi nhớ Má con thường ngồi tư lự
Đã làm gì cho xứng với thâm ân?
Hơn 60 năm sống đời hiếu tử
tiếng Cảm Ơn, con "quên" biết bao lần!

Phút cuối đời Má có điều muốn nói
thì đã muộn màng! Lời bỗng vô ngôn
Mắt mở hé mi, miệng như nhắn gởi
mấp máy từng cơn những tiếng lạc hồn!

Có phải nụ cười mới vừa thoáng hiện
trên bờ môi khô tím lúc lâm chung?!
Má từng phút xuôi dần về miên viễn
Thương làm sao! Khóe mắt chợt rưng rưng.

Má bóng mát che thân con lá cỏ
Là đuốc thiêng soi con bước trong đời
Má biển lớn, con chỉ là sông nhỏ
Tuổi 60, con thành "trẻ mồ côi"!

Chín năm tròn, Má đã về cội Phúc
Cõi phù trần còn lại chút bụi tro
Xin hẹn buổi tương phùng nơi Quê Thật
Má trước, con sau. Chỉ một chuyến đò!

HUY VĂN

( Kính nhớ Maria Nguyễn Thị Thương RIP
03/9/1932- 14/4/2014 )

Chủ Nhật, 9 tháng 4, 2023

Ánh Sáng Phục Sinh - Thơ Kim Oanh

  


Con đường thương khó Chúa qua
Vượt bao khổ nạn bao la tình Ngài
Máu đào thấm đỏ đôi tay
Đớn đau gánh chịu đắng cay cực hình
Con dân nước chúa nhiệt tình
Rao truyền công cuộc hiển vinh của Người
Tạ ơn tình Chúa cao vời
Xót thương cứu độ rạng ngời vinh quang
Phục Sinh ánh sáng huy hoàng
Chiếu soi nhân loại hân hoan danh Ngài!


Kim Oanh
Phục Sinh 2023

Thứ Bảy, 1 tháng 4, 2023

TRIẾT LÝ TAM HẦU - Thơ Trần Quốc Bảo

 


Đã sinh làm kiếp con người,
Nào ai thoát được cảnh đời xót xa!
Nhà Sư Ấn độ Vadjra,
Đưa ra triết lý, giúp ta thanh nhàn.
Xét rằng đời, vốn đa đoan,
Muốn vui sống, phải tịnh an tâm hồn.
Như ba con khỉ, mà khôn
Lấy tay, bịt mắt, bịt mồm, bịt tai!
Bịt mắt, ta chẳng nhìn ai,
Chỉ nhìn cái đúng, cái sai của mình!
Diệt trừ: tà sắc, dục tình
Thì buông bỏ được bóng hình đam mê.
Bịt mồm, ta chẳng khen, chê,
Dối gian chẳng nói, chửi thề cũng không.
Hiền như có Phật trong lòng
Thì buông bỏ được những vòng lợi danh.
Bịt tai, chẳng rõ âm thanh,
Thấy đời đẹp tựa bức tranh không lời!
Mở tâm thương mến mọi người,
Và buông bỏ hết… Coi đời hư không!
“Tam Hầu” triết lý phương Đông, (*)
Tuy đơn sơ, lại mênh mông luận bàn!
Người xưa để lại khôn ngoan,
Ngàn sau, hồ dễ thế gian tận tường!

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
Địa chỉ điện thư của tác giả: quocbao_30@yahoo.com
Chú thích
(*) “Tam Hầu” triết lý phương Đông: Triết lý này phát xuất từ nhà Sư Vadjra (Ấn độ) vào thế kỷ thứ 8, lan truyền qua Trung hoa và Nhật. Đến thế kỷ 17, ở Nhật tại Đền thờ Tokugawa có tượng 3 con khỉ.
Tên chung bức tượng là Sambiki Saru (3 khỉ khôn ngoan). Tên Khỉ bịt mắt, là Mizaru; Khỉ bịt miệng, là Mazaru; Khỉ bịt tai, là Mikazaru.