Chúng tôi sinh giữa thế kỷ hai mươi
Mười chín hai mươi, chưa kịp thành người
Nhưng biết bổn phận công dân một nước
Ngâm khúc Kinh Kha, vẫn nhoẻn miệng cười…
Bọn chúng tôi sinh ra thời bom đạn
Cha chưa về, con tiếp tục hành trang…
Vào quân ngũ, dáng học trò ngơ ngác
Ra chiến trường vẫn một bóng hình mang…
Bọn chúng tôi có một thời như thế!
Rời quân trường đi khắp nẻo đường quê
Ba-lô chứa những bài thơ dang dở
Đánh trận xong mong sống sót trở về.
Chúng tôi ra trận chẳng màng khanh tướng
Nhủ trong lòng chiến đấu giữ quê hương
Giữa hai trận đánh, nằm ngâm thơ cổ…
Đời chinh nhân, thời… túy ngọa sa trường…
Ra trận như dạo chơi vào thiên cổ
Chiếc poncho thay cho một nấm mồ
Trận đánh đầu tiên còn run lẩy bẩy
Vài lần sau đã đáng mặt giang hồ…
Hai mươi năm, ai gây họa binh đao
Để bảy ngàn đêm mắt mẹ lệ trào
Bao lớp trẻ lớn lên vào trận mạc
Bao thịt xương vùi lấp dưới chiến hào.
Ai gây tương tàn cốt nhục đệ huynh
Bom đạn ngày đêm đổ xuống quê mình
Ai gây thù hận sắc màu chủ nghĩa
Anh em giết nhau chẳng xót thương tình?
Hai mươi năm mẹ vẫn thức chập chờn
Từng khuya trông chớp lửa dãy Trường Sơn
Nghe quặn thắt, thương chồng con ra trận
Trống tàn canh hồn nặng trĩu tủi hờn.
Tan cuộc chiến, chúng tôi theo vận nước.
Thành tàn binh, lầm lũi giữa phố phường
Gươm súng gãy, nay thành bên thua cuộc
Hoài niệm xưa gửi lại chốn sa trường.
Thương bè bạn thân vùi theo cát bụi
Bốn ba năm, nhớ đến chợt ngậm ngùi
Lũ chúng tôi ngày xưa, thành kỷ niệm
Tháng tư về, chẳng thấy một ngày vui …
Hoài Nguyễn - 27/3/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét